Ảo cảnh – Chương 4

[Đạo Mộ Bút Ký] – Minh Họa Bách Lý Tự Lai Quyển - P1

Ảo cảnh

Chương 4

Tác giả: Nam Phái Tam Thúc

Trans: Lão Miêu Hóa Hồ

Beta: Cầm Sư

Một đường trôi thẳng đến chỗ sâu trong khe núi, trại ở hai bên càng ngày càng nhiều, mà không biết làm sao cả đường đi lại chẳng thấy một ai, chỉ có tiếng tù và trầm muộn theo suốt chặng đường. Điều này không khỏi khiến tôi cảm thấy toàn bộ cái sơn cốc phát ra đầy địch ý. Không biết là có cung nỏ gì đang bí mật nhắm vào nhóm chúng tôi không nữa đây.

Nhưng mà điều này cũng có chút vô lý, cho dù trong bộ lạc có phân tranh đi nữa, cũng không đến mức căng thẳng như thế này chứ, chúng tôi lại chỉ có vài người thế này mà cả trại phải cảnh giác thì có chút không hợp với lẽ thường.

Cứ yên lặng trôi được một lúc, phía trước bỗng xuất hiện một cổng nước hình hổ màu đen. Cái cổng này là dùng một tảng đá khổng lồ điêu khắc đầu hổ rồi đặt trong dòng nước, độ cao không đồng đều, hệt như đá ngầm. Khu vực này chỉ dài một dặm, lại chỉ có duy nhất một con đường có thể đi qua, cần phải có người bản địa dẫn đường. Việc này là để đề phòng thuyền trưởng của bộ lạc khác lái thẳng xuống phía dưới, dễ dàng đến thẳng được khu trung tâm của thôn.

Phía trước cổng nước có một căn thủy trại đứng trong nước, áp sát vào một bên khe núi, có thể nhìn thấy dưới nước toàn là đá lởm chởm, có lẽ là đá lở từ trên vách đá rơi xuống chất đống ở đáy khe núi. Cây cột chống thủy trại được chẹt cứng trong đống đá ấy, còn trại thì lộ ra cách mặt nước tầm hai mét. Có một chiếc bè dừng lại bên dưới thủy trại, cây cột chống thủy trại đứng trong nước thì treo đầy giỏ mây, hình như là đặc sản của nơi này, tới khi họp chợ thì những chiếc giỏ mây này sẽ được chuyển đến để đổi lấy thuốc súng và thuốc phiện với người Hán. Có thể thấy tảng đá màu đen trên vách núi đá phía trước thủy trại đã được điêu khắc thành một cái đầu hổ đáng sợ, một nửa ở dưới nước, một nửa trên mặt nước. Đây chắc là đồ đằng hổ đen đặc trưng của người Hắc Di bản địa. Đây là một vật quan trọng dùng để thị oai với người từ bên ngoài tới.

Từ thủy trại hướng lên phía trên, các công trình nối liền nhau hai bên bờ sông, dọc theo cầu thang đá cắt vào trong núi và con đường ngầm phía trước ngôi nhà sàn. Toàn bộ cái thôn có bốn mươi đến năm mươi căn nhà sàn san sát nhau, sắp xếp hơi lệch một chút vì dựa vào vách đá. Sợi dây mây thứ hai nối đến một khu nhà khác cũng san sát như vậy ở vách núi đối diện thủy trại này.

Vẫn không thấy một bóng người, điều này đối với người dân miền núi bình thường, mặt trời mọc thì làm việc mặt trời lặn mới nghỉ ngơi mà nói, thật là một loại chuyện không tưởng.

Ở cuối tầm mắt, tôi thấy ở nơi sâu nhất của hẻm núi có một bến thuyền. Đó là trung tâm của toàn bộ cái thôn này. Chúng tôi là người từ bên ngoài tới, muốn tiến vào trung tâm của thôn thì phải được người bản địa dẫn đi, cái thủy trại này có lẽ được dùng làm trạm kiểm tra. Người chống thuyền vạm vỡ như núi kia dừng thuyền lại một chút, sau khi tiến lại gần lại không hề ra hiệu cho chúng tôi xuống thuyền.

Thanh niên người Di dùng ánh mắt trao đổi với mọi người một chút, sau đó bắt đầu dùng tiếng bản địa mà nói vọng về phía thủy trại. Nghe không hiểu hắn đang la lối điều gì, đại khái là có thương nhân tới đây thu mua thảo dược các kiểu.

Hô được một lúc mà vẫn không có bất cứ phản ứng nào, toàn bộ thủy trại vẫn vô cùng yên ắng.

Thế này là thế nào. Công Tử Ca nói nhỏ:

“Người đi đâu hết rồi? Thôn của các người bình thường cũng thế này à?”

Lúc này thanh niên người Di bắt đầu ý thức được là có chuyện không đúng lắm, hắn nhìn bốn phía xung quanh, rồi lại dùng tiếng địa phương gọi mấy câu.

Tiếng tù và vẫn tiếp tục vang lên, thế nhưng ngoại trừ cái âm thanh này ra thì chúng tôi chẳng nhận được bất cứ hồi đáp nào khác cả. Thanh niên người Di nói:

“Không thể nào, có cả trăm người sống trong cái thủy trại này. Hơn nữa, tù và vẫn còn đang thổi, người trong thôn đi đâu cả rồi?”

Mọi người nhìn nhau, người đang hút thuốc “chậc” một tiếng, xem ra hắn không ngờ tới là lại có loại tình huống như thế này.

“Trảo Tử, anh cùng A Tát đi lên xem xem.”

Người hút thuốc phân phó. Khi người lúc trước dùng móc câu kia đáp một tiếng, đi được mấy bước trên bến thuyền rồi, người hút thuốc mới nói với A Tát:

“Nếu mà cậu dám giở trò với ta, chúng ta ở ngoài này sẽ san bằng thôn của cậu.”

Thanh niên người Di cười lạnh một tiếng, chúng tôi đến gần cây cột chống nhà sàn, hắn liền leo lên, Trảo Tử theo sát phía sau hắn, hai người leo ngược lên trên trại. Trảo Tử nhổ một ngụm đờm, hai người gọi mấy tiếng, rồi leo từ cửa sổ vào bên trong nhà sàn.

Người hút thuốc quay đầu lại nháy mắt với người chống tuyền vạm vỡ kia, hắn chầm chậm đẩy thuyền trôi ngược dòng nước để quay lại, chầm chậm mà giữ khoảng cách với cái thủy trại này. Hắn nhỏ giọng nói:

“Phượng Hoàng, cô cùng Đại Trương Ca với cả Xà Tổ xuống nước mò xem. Tình hình của cái thôn này không đúng lắm, không thể tin tưởng thằng nhóc kia được. Mấy người đi mai phục trước đi, chúng ta ở hết trên thuyền này quá bị động rồi.”

Tôi đang không biết ai là Đại Trương Ca với Phượng Hoàng thì liền thấy người phụ nữ kia “chậc” một tiếng. Bực cả mình. Muộn Du Bình ở bên kia đã lộn hành lý của mình, lấy ra một vật giống như một cái áo phao nhỏ, chẳng biết có phải là thủy giáp* trong truyền thuyết không.

Chúng tôi lại tiếp tục ngược dòng rời xa thủy trại. Người phụ nữ kia thế mà mới đó đã cởi sạch đến chỉ còn mỗi một cái áo ngắn sát người, lẳng lặng mà nhảy vào trong nước, một tay vẫn bám vào thành bè. Tôi cũng cử động, mở chiếc rương mây ra, tôi phát hiện ra ở bên trong có một con rắn to màu xanh đen đang cuộn lại. Con rắn này phải to bằng cánh tay, tôi từ từ thả con rắn xuống nước. Sau đó tôi cởi áo ngoài, mặc “thủy giáp” vào, rồi cũng chìm vào trong nước. Gần như cùng lúc, Muộn Du Bình cũng lộn xuống. Con rắn to kia uốn lượn thân mình trong nước, quấn trên người tôi.

Xà Tổ, có lẽ chính là biệt danh của tôi.

-o-o-o-o-o-o-

* Thủy giáp: đồ lặn thời xưa, thường làm bằng da hoặc da cá mập

One thought on “Ảo cảnh – Chương 4

Leave a comment